Võ Quốc Bá Cẩn – người từng dạy học sinh đội Olympic Toán Việt Nam và Arab Saudi – mong muốn sẽ có thế hệ học trò mới khẳng định trí tuệ Việt trên “bản đồ Toán học” thế giới.
Từng là giáo viên dạy đội tuyển Olympic Toán quốc tế của cả Việt Nam và Arab Saudi, Võ Quốc Bá Cẩn lại chưa có bằng sư phạm.
Chia sẻ với Zing.vn trong ngày đầu năm mới, thầy giáo này mong muốn không chỉ dạy Toán cho Việt Nam và Arab Saudi, mà còn được học hỏi ở nhiều quốc gia khác, cũng như đưa nhiều học sinh dự thi quốc tế, trên hành trình hội nhập tri thức.
– Chúc mừng năm mới. Chia sẻ với người trẻ về khát vọng đầu xuân, anh muốn mang tới thông điệp gì qua câu chuyện của chính mình?
– Thông điệp tôi muốn gửi là người trẻ hãy đi theo đam mê và không ngại khó, ngại khổ.
Theo học ngành Y dược, ĐH Cần Thơ với nguyện vọng của gia đình, tôi từ bỏ đam mê sư phạm. Bố mẹ bảo công việc đó quá vất vả, lại khó xin việc. Vì thế, nhiều năm tháng, tôi sống trong day dứt nên tiếp tục hay từ bỏ.
Ra trường, tôi mở lớp học nhỏ tại Gò Vấp, TP.HCM, để trang trải cuộc sống, cuối tuần lại về Cần Thơ dạy học. Đến tháng 9/2012, ra Hà Nội, tôi không thể xin dạy ở trường vì không có bằng sư phạm.
Từ việc dạy gia sư cho một học sinh, dần thêm người tin tưởng, tôi có lớp học ở cả Hà Nội và Quảng Ninh, dạy từ sáng sớm đến đêm, liên tiếp suốt hai năm liền. Hiện tại theo mô hình CLB bao gồm 500 học sinh, tôi hướng về chương trình chuyên, nâng cao, truyền cảm hứng đam mê Toán.
Tình cờ đến 4/2013, thầy Lê Bá Khánh Trình – trưởng đoàn thi IMO gọi điện hỏi han: “Cẩn đang ở Hà Nội hả? Cẩn sắp xếp qua dạy giúp thầy vài buổi nhé”.
25 tuổi, tôi được thực hiện ước mơ của mình, là giáo viên trẻ nhất đứng lớp dạy đội tuyển Toán thi Olympic của Việt Nam. Năm 2017, Việt Nam giành 4 Huy chương Vàng Olympic Toán học quốc tế, là thành tích cao nhất từ trước đến nay.
Tôi tự hào vì những cô cậu học trò ghi dấu ấn trên thế giới, vừa hạnh phúc vì là giáo viên trực tiếp dạy đội tuyển.
Với đội tuyển Arab, trước thời điểm giáo viên Việt Nam sang dạy, đội tuyển Arab chỉ đạt 2 Huy chương bạc trong suốt 11 năm. Từ năm 2014 trở lại đây, đội tuyển thường xuyên đạt Huy chương bạc. Đặc biệt trong năm 2015, Arab xếp thứ 41 – cao nhất trong lịch sử dự thi.
– Trước khi trở thành giáo viên, ngoài việc chọn sai nghề nghiệp như mình quan niệm, anh còn gặp khó khăn gì nữa?
– Đó là về kinh tế, gần 6 năm theo học y dược, cuộc sống sinh viên khó khăn, từng có thời điểm tôi đói đến mức phải soạn tài liệu rồi bán trên Yahoo. May mắn thay, thời điểm bế tắc đó, tôi gặp thầy Trần Nam Dũng – người đoạt huy chương bạc Olympic Toán quốc tế năm 1983 tại Paris, Pháp. Bấy giờ, thầy giảng dạy tại khoa Toán – Tin học, ĐH Khoa học Tự nhiên và trường Phổ thông Năng khiếu thuộc ĐH Quốc gia TP.HCM.
“Duyên” để hai thầy trò gặp nhau khi TS Dũng thấy một lời giải Toán hay của tôi trên diễn đàn mạng. Thầy liên lạc, tạo điều kiện cho tôi có công việc. Đầu tiên, tôi hỗ trợ thầy Dũng soạn tài liệu, biên tập kỷ yếu của học sinh giỏi, bồi dưỡng giáo viên. Thỉnh thoảng, tôi được đứng lớp tại CLB Toán, trường THPT Lê Hồng Phong, TP.HCM.
TS Trần Nam Dũng là người có ý nghĩa với tôi, từ kinh nghiệm, cảm hứng đến phong cách của tôi bây giờ đều ảnh hưởng từ thầy. Thầy khuyên tôi cố gắng học xong đại học, rồi chọn công việc yêu thích.
Khát vọng thế hệ trẻ Việt Nam vươn ra tầm thế giới
– Anh thấy việc dạy Toán ở Arab khác Việt Nam như thế nào?
– Tôi cùng các giáo viên Olympic Toán học bắt đầu dạy đội tuyển Arab Saudi thời điểm năm 2014. Trước đó, ấn tượng với thành tích Việt Nam đạt được ở các kỳ thi IMO, từ đầu năm 2013, Arab Saudi cử người sang Việt Nam gặp PGS.TS Lê Anh Vinh, ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội).
Trong cuộc gặp gỡ với chuyên gia đào tạo Toán của Việt Nam, phía Arab Saudi tìm hiểu kinh nghiệm tuyển chọn, bồi dưỡng học sinh giỏi và nhờ hỗ trợ.
Trước khi tìm đến đoàn giáo viên Việt Nam, lãnh đạo ngành giáo dục Arab Saudi đặt niềm tin vào các chuyên gia nổi tiếng đến từ Mỹ, Trung Quốc, Rumania, Bulgaria… nhưng đội tuyển của họ vẫn không thành công.
Tôi cùng những bậc thầy, đàn anh của đội tuyển Việt Nam bắt đầu dạy cho nước bạn từ năm 2014. Chương trình bồi dưỡng của Arab khác Việt Nam là học sinh học nhiều nhất trong 6 tháng, được chia khoảng 40-50 em thuộc 5 trình độ khác nhau. Các giáo viên Việt Nam nhận dạy học sinh từ nhiều trình độ khác nhau, mỗi ngày 3 ca, thay đổi ở tất cả cấp bậc.
Ngoài sự khác nhau về múi giờ, sinh hoạt, do 100% người dân Arab theo đạo Hồi, mỗi ngày, các em phải cầu nguyện 5 lần nên giáo viên thường xuyên phải cho học sinh nghỉ giữa giờ.
Mỗi lần sang nước bạn, giáo viên Việt Nam sẽ đi khoảng 1-2 đợt. Đợt thứ hai thường trùng vào ngày lễ Ramadan của người Hồi giáo, kéo dài trong một tháng. Các em phải nhịn ăn từ lúc Mặt Trời mọc cho đến khi lặn, nên không có sức để học. Giáo viên buộc phải ngủ vào ban ngày và dạy từ 22h đến 3h sáng hôm sau. Tôi và giáo viên khác thường xuyên bị chảy máu cam, sức khỏe suy giảm.
Khi sang Arab, dù có áp lực công việc, các thầy dạy với tinh thần thoải mái, chủ yếu giới thiệu những kiến thức hay từ kinh nghiệm.
Học sinh Arab có ưu điểm là tương tác tốt với giáo viên, chủ động trình bày ý tưởng. Học sinh Việt Nam thì ham học nhưng đôi khi vẫn giấu dốt.
Điều yếu nhất của học sinh Arab là các em lười ghi chép. Năm đầu tiên tôi dạy, các em hầu như không ghi gì. Sau đó, giáo viên phải ý kiến, thuyết phục với trưởng đoàn, bấy giờ các em mới bắt đầu ghi chép. Đó là sự thay đổi tích cực nhất. Ngoài ra, các em không làm bài tập về nhà.
TS Trần Nam Dũng – Phó hiệu trưởng trường Phổ thông Năng khiếu thuộc ĐH Quốc gia TP.HCM – nói về học trò năm nào: “Cẩn là người tham việc, làm gì cũng muốn hoàn hảo. Trong lần gặp gỡ Toán học lần 2 vào tháng 8/2010, cậu ấy đã thức đêm để hoàn thành kỷ yếu, lao lực đến chảy máu mũi”.
TS Dũng cho rằng Võ Quốc Bá Cẩn tài năng và nhiệt huyết, lúc ông gặp “bạn ấy là cái tên nổi trong các diễn đàn Toán học”. Ông Dũng thấy Bá Cẩn nói chuyện và tranh luận về Toán rất nhiệt tình. Hai thầy trò vẫn thường xuyên trao đổi và làm chung một số công việc về Toán học.
Theo Zing.vn