Phương pháp 6 chiếc mũ tư duy là công cụ hữu ích giúp bạn có thể đánh giá sự vật, sự việc ở nhiều góc nhìn khác nhau nhằm đưa ra quyết định, cách giải quyết một cách dễ dàng hơn. Hôm nay hãy cùng Cmath tìm hiểu rõ hơn về phương pháp này trong bài viết sau đây.
6 chiếc mũ tư duy là gì?
Phương pháp 6 chiếc mũ tư duy được tiến sĩ Edward de Bono phát triển vào năm 1980. Sau đó chúng được giới thiệu trong cuốn sách “6 Thinking Hats” xuất bản năm 1985. Đây là phương pháp sử dụng đến 6 chiếc mũ ẩn dụ để đại diện cho một lối suy nghĩ, một vai trò khác nhau trong quá trình nhìn nhận, đánh giá, giải quyết vấn đề. Nhờ phương pháp này sẽ giúp cho người dùng có cái nhìn toàn diện, bao quát hơn nhằm đưa ra quyết định sáng suốt, thông minh, hợp lý.
6 chiếc mũ tư duy gồm có:
- Mũ trắng: Khách quan, thông tin dữ liệu
- Mũ đỏ: Cảm tính, trực giác
- Mũ vàng: Tích cực
- Mũ đen: Điểm tối
- Mũ xanh lá: Sáng tạo
- Mũ xanh dương: Tiến trình
Đặc điểm của 6 chiếc mũ tư duy
Mũ trắng
Chiếc mũ trắng là đại diện của thông tin, dữ liệu. Khi tưởng tượng đội mũ trắng lên, bạn sẽ cần tìm kiếm thông tin, dữ liệu có liên quan đến vấn đề để đưa ra đánh giá khách quan dựa trên những gì đã tìm được.
Khi sử dụng tư duy mũ trắng, bạn có thể sử dụng một số câu hỏi dạng: “Chúng ta đã có những thông tin gì về vấn đề này”, “Chúng ta đã có những thông tin liên quan nào về vấn đề chưa”, “Chúng ta đang còn thiếu những dữ kiện nào, làm sao để tìm kiếm được chúng”…
Mũ đỏ
Chiếc mũ đỏ là đại diện của những điều liên quan đến cảm xúc, trực giác. Khi bạn sử dụng tư duy mũ đỏ trong phương pháp 6 chiếc mũ tư duy nghĩa là bạn sẽ cần đưa ra lý lẽ, giải thích của bản thân về các vấn đề đang cần giải quyết dựa trên trực giác, cảm tính của mình mà không cần đưa ra luận điểm, thông tin chứng cứ để giải thích.
Khi sử dụng tư duy mũ đỏ, bạn có thể áp dụng các câu hỏi dạng: “Cảm giác hiện tại của bản thân là gì”, “Trực giác của bạn đang mách bảo gì về vấn đề này”, “Bạn có thực sự hứng thú với vấn đề này không”,…
Mũ vàng
Chiếc mũ vàng là đại diện cho kiểu tư duy tích cực, khi đội chiếc mũ này bạn sẽ đưa ra các góc nhìn lạc quan và logic về vấn đề thông qua việc chỉ ra ưu điểm, tính khả thi của chúng. Trong số 6 chiếc mũ tư duy thì đây là chiếc mũ cung cấp nhiều động lực nhất để bạn có thể đưa ra nhiều giải pháp mới lạ, độc đáo.
Bạn có thể sử dụng tư duy mũ vàng để giải quyết vấn đề thông qua các dạng câu hỏi: “Mặt tích cực của vấn đề này là gì”, “Lợi ích khi áp dụng giải pháp này”, “Tính khả thi khi thực hiện của dự án”,…
Mũ đen
Mũ đen là đại diện cho kiểu tư duy sâu sắc hơn mang hơi hướng tiêu cực, những điểm tối của vấn đề. Khi đội chiếc mũ này lên, bạn sẽ nhìn nhận vấn đề một cách thận trọng hơn, tìm ra các rủi ro có thể phát sinh để có sự chuẩn bị tốt nhất.
Bạn có thể giải quyết các vấn đề với mũ đen thông qua những dạng câu hỏi như: “Những tình huống rủi ro nào có thể xảy ra”, “Tình huống xấu nhất là gì”, “Vấn đề này có những nguy cơ tiềm ẩn nào”,…
Mũ xanh lá
Mũ xanh lá là đại diện cho kiểu tư duy sáng tạo. Những người đội chiếc mũ tư duy này có thể tìm thấy những ý tưởng sáng tạo độc đáo cho bất kỳ vấn đề nào trong cuộc sống.
Bạn có thể giải quyết vấn đề với mũ xanh lá bằng cách trả lời các câu hỏi như: “Vấn đề này còn cách khác giải quyết không”, “Trường hợp này có thể làm gì khác không”, “điểm tích cực của vấn đề này ở đâu”,…
Mũ xanh dương
Trong phương pháp 6 chiếc mũ tư duy thì mũ xanh dương chính là đại diện cho kiểu tư duy tổ chức, hệ thống. Khi đội chiếc mũ tư duy xanh dương sẽ giúp bạn có cái nhìn bao quát, dễ dàng kiểm soát tiến trình tư duy của những chiếc mũ khác.
Những câu hỏi có thể giúp bạn giải quyết vấn đề với mũ xanh dương như: “Trọng tâm của vấn đề này nằm ở đâu”, “Kiểu tư duy nào sẽ phù hợp để giải quyết vấn đề này”, “Cần thêm thông tin, thời gian như thế nào để giải quyết vấn đề”,…
Bạn có thể lựa chọn bất kỳ chiếc mũ nào trong phương pháp 6 chiếc mũ tư duy để giải quyết vấn đề. Trong đó quy trình tiến hành cơ bản được nhiều người áp dụng hiện nay đó là: Sử dụng mũ trắng để thu thập thông tin, dữ liệu -> Sử dụng mũ xanh lá để đưa ra ý kiến sáng tạo -> Sử dụng mũ vàng và mũ đen để đánh giá toàn diện vấn đề -> Sử dụng mũ đỏ để đưa ra các quan để liên quan đến trực giác, cảm xúc -> Sử dụng mũ xanh dương để nhìn nhận lại vấn đề, đưa ra kết luận và hướng giải quyết.
Đánh giá ưu – nhược điểm của phương pháp 6 chiếc mũ tư duy
Ưu điểm
Phương pháp 6 chiếc mũ tư duy sở hữu nhiều ưu điểm như:
- Giúp bạn tập trung được vào nhiều khía cạnh khác nhau của vấn đề, từ đó có được quyết định khách quan và mang tính toàn diện hơn.
- Giúp phát triển tư duy sáng tạo, cải thiện khả năng giải quyết vấn đề
- Tránh được các xung đột không mong muốn khi thảo luận nhóm
Nhược điểm
Bên cạnh những ưu điểm thì 6 chiếc mũ tư duy cũng có một số nhược điểm mà bạn cần lưu ý:
- Không phù hợp trong nhiều tình huống cần phải đưa ra quyết định nhanh chóng
- Nếu không sử dụng 6 chiếc mũ tư duy đúng cách có thể khiến cho kết quả giải quyết vấn đề bị ảnh hưởng
Trên đây là những chia sẻ về phương pháp 6 chiếc mũ tư duy, hi vọng qua đó giúp bạn vận dụng tốt 6 chiếc mũ tư duy để có được cho mình hướng giải quyết các vấn đề trong cuộc sống đúng đắn, hiệu quả hơn.
Câu lạc bộ Toán học muôn màu
Địa chỉ:
- Cơ sở 1: Nhà liền kề 12, 82 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội (Sau chung cư thống nhất Complex)
- Cơ sở 2: Nhà liền kề NTT06, 82 Nguyễn Tuân- Thanh Xuân
Hotline: 0973872184 – 0987779734- 0911190991
Website: cmath.edu.vn
Email: info@cskh.cmath.edu.vn